Mua đi bán lại là một hình thức kinh doanh khá phổ biến trên thị trường bất động sản. Hình thức này cũng có những ưu nhược điểm riêng tương tự như nhiều cách kinh doanh khác.
Ưu nhược điểm của hình thức mua đi bán lại
Ưu điểm
1. Tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao
Một ưu điểm rõ ràng của hình thức mua đi bán lại đó là có tiềm năng sinh lời lớn. Theo ước tính của Forbes, mức lợi nhuận trung bình nếu một giao dịch được thực hiện thành công thông qua hình thức mua đi bán lại rơi vào khoảng 40.000 – 70.000 USD.
Ngoài ra, so với những hình thức khác, mua đi bán lại thường diễn ra nhanh hơn. Thời gian giao dịch trung bình rơi vào khoảng 3 tháng kể từ thời điểm bạn mua tài sản cũ và đăng bán, theo Forbes. Bạn càng đầu tư nhiều vào việc sửa chữa và nâng cấp, khả năng thu lời của bạn càng cao.
2. Bạn có thể tự do lựa chọn tài sản theo nhu cầu và khả năng tài chính
Là một nhà đầu tư bất động sản, bạn có thể tự do tìm kiếm những căn nhà theo mong muốn dựa trên các thuộc tính như vị trí, giá cả, mục đích,….
Khác với những hình thức đầu tư vào những thị trường khác như bán lẻ, văn phòng, logistics,… Bạn sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng hơn khi thực hiện việc mua đi bán lại nhà đất. Ngoài ra, hình thức này cũng rất dễ tiếp cận và không đòi hỏi nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm.
Nhược điểm
Giống như tất cả những hình thức đầu tư khác, việc mua đi bán lại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
1. Tài chính
Việc đảm bảo nguồn tài chính để mua một căn nhà đối với nhiều người là một câu chuyện khó, trừ khi bạn có thể vay thế chấp với lãi suất thấp. Ngoài ra, bạn cần tính đến những khoản chi phí có thể phát sinh khác như thuế, chi phí sửa chữa, phí môi giới,…
Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến mặt tài chính, điều quan trọng là bạn phải lập một kế hoạch chi tiết về việc phân bổ nguồn vốn, sử dụng nguồn tiền một cách hợp lý. Nếu không, số tiền phát sinh có thể sẽ rất lớn, qua đó làm giảm lợi nhuận có thể thu được.
2. Thời gian
Như đã đề cập, hình thức mua đi bán lại có thể diễn ra nhanh hơn so với những hình thức kinh doanh khác. Dù vậy, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong trường hợp tài sản của bạn cần sửa chữa và nâng cấp, sẽ tốn một khoảng thời gian tương đối để hoàn thành công việc này.
Ngoài ra, hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn rủi ro xoay quanh các vấn đề thủ tục pháp lý cũng như đầu ra khi thị trường nhà đất hạ nhiệt. Tất cả những điều này sẽ khiến bạn phải tốn một khoảng thời gian khá lớn để xử lý.
Tất cả các hình thức đầu tư bất động sản đều tiềm ẩn rủi ro cũng như có nhiều cơ hội tiềm năng. Vì vậy, các nhà đầu tư nên cố gắng xây dựng chiến lược một cách hợp lý, qua đó vừa giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức, vừa giúp giảm thiểu rủi ro.
Anh Nguyễn (Forbes)