Dòng tiền 600 tỷ đồng sẽ là động lực quan trọng để chủ đầu tư EcoCity Premia Buôn Ma Thuột sớm đưa dự án này về đích.
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đăk Lăk (tên viết tắt Đăk Lăk Urban) ngày 27/8 vừa qua đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Tài sản thế chấp của lô trái phiếu này là quyền, lợi tức và các khoản phí mà nhà đầu tư thu được trong quá trình triển khai dự án EcoCity Premia.
Nằm tại km7 thành phố Buôn Ma Thuột, EcoCity Premia sở hữu vị trí đắc địa ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố với 3 mặt tiếp giáp giao thông, dự án này có quy mô 50ha với tổng mức đầu tư hơn 1.989 tỷ đồng và được khởi công vào tháng 12/2019, đại diện môi giới là CTCP CHG Homes, một công ty cùng nhóm với Đăk Lăk Urban.
Tuy nhiên, sau khi tổ chức công bố khởi công dự án, doanh nghiệp này đã có văn bản xin “xác nhận đủ điều kiện huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại dự án khu đô thị dân cư Km7”. Ngay sau đấy Sở Xây dựng Đăk Lăk đã có văn bản khẳng định dự án này “chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai”, đồng thời xử phạt hành chính Đăk Lăk Urban khi tiến hành xây dựng một số hạng mục trước khi giao đất.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Đăk Lăk Urban được thành lập vào tháng 7/2018, trụ sở đặt tại số 292 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuật, tỉnh Đăk Lăk.
Tại ngày 25/6/2020, cơ cấu cổ đông của Đăk Lăk Urban gồm CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (CapitalHouse, 69,97%), Phạm Mạnh Hùng (30%) và Lê Ngọc Hoàng (0,025%). Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là ông Trần Công Tường (SN 1978).
Trong đó, CapitalHouse là một tập đoàn phát triển đa ngành với lĩnh vực cốt lõi là đầu tư bất động sản với các dự án nổi bật tại Hà Nội như ECOHOME 3, ECOLIFE CAPITAL, ECOLIFE Tây Hồ.
Chính vì vậy, dự án ở Buôn Ma Thuột phần nào cho thấy định hướng phát triển ra các địa phương của Capital House, sau sự thành công ở thị trường thủ đô. Bên cạnh dự án lớn ở Đăk Lăk, tháng 6 vừa qua, tập đoàn này đã tổ chức lễ khởi công dự án EcoHome Nhơn Bình có tổng mức đầu tư khoảng 1.402 tỷ đồng, hiện đây là dự án nhà ở xã hội lớn bậc nhất được triển khai tại Quy Nhơn.
Capital House được thành lập năm 2004 với xuất phát điểm là đơn vị nghiên cứu, đầu tư phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Trải qua 16 năm hình thành và phát triển, bên cạnh việc khẳng định vị thế của mình trên thị trường bất động sản, Capital House cũng cho thấy sự lớn mạnh về quy mô doanh nghiệp.
Ban đầu, vốn điều lệ công ty này chỉ ở mức 160 tỷ đồng gồm 4 cổ đông sáng lập là Nguyễn Thị Vân, Đỗ Hữu Phúc, Đinh Văn Hải và Đinh Huy Tuấn. Tuy nhiên, liên tiếp trong hai năm 2016-2017, Capital House đã phát hành riêng lẻ tổng cộng 78 triệu cổ phiếu cho CTCP Tập đoàn CHG (viết tắt: CHG), thương vụ này đưa CHG từ một công ty “sơ sinh” trở thành cổ đông chi phối Capital House, đồng thời Capital House qua đó cũng tăng vốn lên gấp ba lần, lên mức 1.200 tỷ đồng.
Cổ đông lớn CHG được sáng lập bởi vợ chồng ông Đỗ Đức Đạt và một người quen, là bà Đỗ Thị Thúy (SN 1989) với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng, tại đây, vợ chồng ông Đạt giữ quyền chi phối toàn diện với 90% cổ phần trực tiếp đứng tên. Vào ngày 16/1/2020 số vốn CHG ở mức 1196,5 tỷ đồng.
Ở Capital House, ông Đỗ Đức Đạt hiện đã rút khỏi HĐQT và Ban Tổng giám đốc, tuy nhiên ai cũng hiểu dù có lùi về phía sau thì tập đoàn này vẫn trong tầm kiểm soát của vị doanh nhân sinh năm 1971. Tại đây, ông cùng vợ mình là bà Đỗ Thị Thùy Chi đang trực tiếp đứng tên hơn 36 triệu cổ phần, tương ứng với 30% vốn điều lệ, cộng thêm 78 triệu phần mà CHG sở hữu thì tổng số cổ phần mà ông Đạt nắm giữ tại Capital House lên đến 114 triệu, tương ứng tỷ lệ 95%.
Ở một diễn biến đáng chú ý, CapitalHouse đang lên kế hoạch miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với các ông Nguyễn Thành Trung (SN 1983) và ông Đào Hùng Tiến (SN 1971). Đồng thời đề xuất bổ sung các ông Nguyễn Trung Thành (SN 1976) và ông Lê Ngọc Hoàng (SN 1978) thay thế cho các nhân sự nêu trên.
Ông Nguyễn Trung Thành chính là một trong ba cổ đông lớn tại CHG Homes, công ty có vốn điều lệ 20 tỷ và đảm trách vai trò phân phối cho dự án EcoCity Premia như đã đề cập ở trên.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Capital House cho biết, trong năm 2020, công ty này sẽ hướng tới việc tái cơ cấu, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, tập trung các nguồn lực để đầu tư thực hiện các dự án đang triển khai. Đồng thời, tìm kiếm mở rộng các hình thức đầu tư, đối tác hợp tác đầu tư các dự án, tăng tỷ trọng vào phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập trung bình và nhà ở xã hội.
Công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác đạt 1.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 187,12 tỷ đồng trong năm nay.
Trở lại với ông Đỗ Đức Đạt, hệ sinh thái của doanh nhân này còn có CTCP Xây dựng Công nghệ Xanh và CTCP Dịch vụ bảo vệ EES. Trong đó, Công ty Công nghệ Xanh có vốn điều lệ 180 tỷ đồng, đại diện pháp luật của cả hai công ty này là bà Đỗ Thị Thúy.