Đại gia lao tâm khổ tứ vì chôn hàng chục tỉ đồng vào farmstay, mua đất 6 triệu đồng/m2 lúc sốt, rao bán mãi không ai mua, phải bán cho chủ cũ 3 triệu đồng/m2
Giấc mơ về quê nghỉ dưỡng mỗi dịp cuối tuần đã tan thành bọt biển khi không ít chủ farmstay phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để duy trì căn nhà vườn của chính mình. Dù giá đất gia tăng nhưng nếu tính tổng bài toán chi phí thì tiền chênh đất không đủ bù các khoản phát sinh.
Áp lực khói bụi thành thị đã khiến làn sóng “bỏ phố về quê” bùng nổ trong những năm trở lại đây. Trong làn sóng đó, nhiều tấm gương nhà đầu tư kiếm tiền tỷ nhờ bỏ tiền vào đất nền vùng ven được nhắc đến như một minh chứng “farmstay là mảnh đất màu mỡ sinh lời”.
Thế nhưng, thực tế, bên cạnh tấm gương kiếm tiền tỷ, không ít “đại gia” phải lao tâm khổ tứ vì hàng chục tỷ đồng bị chôn vốn bởi thú vui “bỏ phố về vườn” những năm trước.
Anh N.T, nhà đầu tư bất động sản Hà Nội kể: “Tôi có một anh bạn, khi đó rất giàu. Năm Hưng Yên sốt đất, dự án Ecopark khởi động, bạn tôi mua mảnh đất 2000m2 với mức giá lên tới 6 triệu đồng/m2. Vì có tiền nên khi ấy, bạn tôi muốn đầu tư mô hình trang trại, nhà vườn ở Hưng Yên để cuối tuần về nghỉ dưỡng. Mảnh vườn được thiết kế xây rào, cũng trồng cây ăn quả nuôi gà, nuôi lợn…”
Thế nhưng, theo anh N.T kể, kế hoạch mỗi tuần 1 lần về nghỉ dưỡng của người bạn đã không thành. “Bận rộn lại cảm thấy chán nên bạn tôi dần ít về. Mà không về thì trang trại vắng bóng người nên trở nên hoang tàn, lôm côm. Thuê người trông nhưng hết dịch bệnh lại đến thời tiết, đàn gà với vịt cứ chết dần, chết mòn. Hoa quả thu hoạch thì bập bõm”.
Sau ít năm, vì chán, lại tốn kém chi phí duy tu bảo trì, thuê người nên người bạn của anh buộc phải bán lại cho chủ đất cũ. “Lúc mua, chủ đất cắt cho 2000m2 với giá 6 triệu đồng/2m. Rồi bạn tôi lại thuê luôn họ để trông nom vườn. Đến lúc bán, rao mãi không có người mua, bạn tôi lại phải bán lại cho chủ đất cũ với giá 3 triệu đồng/m2. Vậy là mất mấy năm mua đắt tốn chi phí thuê gia đình chủ đất cũ trông nom vườn cây, chăm đàn gà, đàn vịt, lại còn bán rẻ tới 1 nửa”.
Một trường hợp khác mà anh N.T chia sẻ, đó là lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn từng mua 6000m2 đất trên Hòa Lạc 7 năm trước để xây nhà vườn. Chi phí xây dựng hết hơn 10 tỷ, bao gồm cả nhà, tường bao quanh, cây trồng, làm ao, thả cá.
“Ban đầu cứ 1 tuần, bạn tôi lên 1 lần rồi dần dần lại 1 tháng mới tới 1 lần. Để trang trại vận hành, bạn tôi phải thuê 2 giúp việc, với mức thuê 10 triệu đồng. Tính ra trung bình một năm thu hoạch được 50-60 triệu đồng nhưng tiền thuê giúp việc đã mất tới 120 triệu đồng, chưa tính tiền bảo dưỡng, duy tu công trình”.
Anh N.T cho biết, đến hiện tại, giá bất động sản đã tăng lên nhưng nếu tính cả công trình đầu tư, thuê giúp việc, tiền chênh không bằng chi phí. “Mà bán thì bạn tôi cũng tiếc vì công sức bỏ ra, trong khi giữ lại cũng chẳng sinh ra dòng tiền thu nhập”, anh N.T nói
Từ hai câu chuyện của người bạn, anh N.T rút ra kết luận, đầu tư farmstay nếu không tính toán kỹ là bước đi sai lầm. Và khi đầu tư nhầm, họ sẽ mất đi cơ hội kinh doanh khác. Cũng theo nhà đầu tư N.T, để làm trang trại, phải thực sự là người yêu cây cối, con vật vì nghề nông nghiệp chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là đối với những người đang sống quen tại phố.
Nhận định xu hướng bỏ phố về quê là tất yếu, song ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam thẳng thắn nói, nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận từ farmstay cần xác định từ ban đầu rằng đây là cuộc chơi dài hơi, trường vốn, không thể tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn và đòi hỏi sự am hiểu nhiều lĩnh vực liên quan.
Vị lãnh đạo Colliers Việt Nam cho rằng, đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu, giá đất farmstay khoảng vài triệu đồng/m2 về cơ bản là không quá cao nhưng chi phí để hoạt động đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực ngân sách lớn. Đáng lo ngại hơn chính là khoảng trống về pháp lý sẽ khiến nhà vườn của các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, ban đầu, chủ sở hữu rất muốn làm mô hình nông trại, vườn cây để nghỉ ngơi thư giãn sau một thời gian dài làm việc mệt mỏi. Nhưng sau đó, họ không đầu tư sức người, sức của và thời gian để chăm sóc cho các nông trại đó vì không quen với làm nông nghiệp.
Ông Trung cũng cho biết thêm, việc mua đất riêng lẻ làm nhà vườn rất lãng phí do chủ sở hữu chỉ có thể ở đó vào ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ tết, nghỉ hè. Phần lớn thời gian không sử dụng và phải thuê người trông coi, rất bất tiện.
“Đây chính là lý do khiến khách hàng “cả thèm chóng chán” và xu hướng mua đất tự làm nhà vườn nhanh chóng lụi tàn. Ngoài những người dân tuổi đã cao, muốn tìm một nơi xa thành phố để nghỉ dưỡng lâu dài thì ít ai còn giữ được thú vui này”, ông Trung nói.